THÁI LAN HY VỌNG TRỞ LẠI KỊP TẾT SONGKRAN 2020
Truyền thông sở tại dẫn lời ông Pipat nói khi tham dự một sự kiện tại tỉnh Phatthalung ở miền Nam Thái Lan rằng dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới Thái Lan, nơi đón 38,9 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019 với doanh thu từ du lịch chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp ít nhất 20% GDP trong năm 2020.
Tuy nhiên theo ông Pipat, mặc dù dịch COVID-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch Thái Lan trong nửa đầu của năm nay, tình hình sẽ trở lại bình thường trong nửa cuối năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết Songkran (Lễ hội té nước) vào tháng Tư tới, khi mà Trung Quốc có thể sản xuất được vaccine chống lại virus gây dịch COVID-19.
Ông Pipat cho rằng cùng với việc mùa Hè đang tới, virus gây dịch COVID-19 sẽ không thể chịu được nắng nóng và tình hình ở rất nhiều nước, kể cả Thái Lan, sẽ cải thiện.
Bộ trưởng Pipat cho biết thêm Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị đưa ra các biện pháp tài chính để giúp những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng, thương mại hoặc du lịch.
Trước đó, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đã bày tỏ lo ngại về những triển vọng kinh tế, nhất là trong quý I/2020.
Ông Somkid nhận định các điều kiện kinh tế có thể tồi tệ hơn dự báo do dịch COVID-19 và GDP của Thái Lan cũng có thể thu hẹp trong thời gian này do ngành du lịch ảm đạm vì dịch COVID-19.
Chính phủ Thái Lan dự báo ngành du lịch nước này sẽ mất khoảng 30% lượng khách du lịch Trung Quốc trong quý I/2020. Con số này có thể tăng lên 50% nếu dịch COVID-19 tiếp tục là một mối lo ngại trong quý tiếp theo.
Trong năm 2019, khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 18 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại Thái Lan.
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cũng nhận định số du khách nước ngoài tới nước này sẽ giảm 5 triệu lượt trong năm nay và ngành du lịch cũng có thể thất thu tới 500 tỷ baht.
Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (K-Research), dịch COVID-19 có thể làm GDP danh nghĩa của Thái Lan mất từ 0,09% đến 0,13% nếu dịch bệnh kéo dài hơn 3 tháng, nhưng không quá 6 tháng.
Trong khi đó, kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện công bố ngày 23/2 cho thấy phần lớn người dân Thái Lan nói rằng họ đang gặp phải sức ép kinh tế, đặc biệt là giá sinh hoạt cao, giá hàng hóa cao và không có khả năng đáp ứng những chi phí hàng ngày.
Cuộc thăm dò được thực hiện từ ngày 18-22/2 đối với 1.161 người trên khắp đất nước để thu thập ý kiến về những nguyên nhân gây ra sự căng thẳng trong những điều kiện chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay.
Về kinh tế, 63,97% số người được hỏi chỉ ra các nguyên nhân bao gồm giá cả sinh hoạt cao, giá hàng hóa cao và thu nhập không đủ để đáp ứng chi phí cao.
Về chính trị, 48,11% số người được hỏi chỉ ra tốc độ chậm chạp của chính phủ trong điều hành đất nước, trong khi đối với an ninh cuộc sống và tài sản, 63,35% nói rằng họ lo ngại về bạo lực.
Liên quan đến sức khỏe, 60,80% nói họ lo ngại về bụi mịn PM2.5 và 50,62% lo ngại về dịch COVID-19./.
Theo TTX