Tết Songkran truyền thống của Thái Lan - Những điều cần biết

Ngày: 13/04/2020 - Admin
Việt Nam có tết Nguyên Đán, Thái Lan có Tết Songkran, như vậy đó các bạn, ngày tết Songkran có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Thái Lan. Trong ngày tết, người Thái có lễ hội té nước, còn có tên gọi khác theo bản địa là Songkran, trong tiếng Phạn có nghĩa là “con đường chiêm tinh”.
Nội dung chính

    LỄ HỘI TÉ NƯỚC SONGKRAN TẠI THÁI LAN – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT!

     

    Songkran là lễ hội gì?

     

    Việt Nam có tết Nguyên Đán, Thái Lan có Tết Songkran, như vậy đó các bạn, ngày tết Songkran có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Thái Lan.

     

     

    Trong ngày tết, người Thái có lễ hội té nước, còn có tên gọi khác theo bản địa là Songkran, trong tiếng Phạn có nghĩa là “con đường chiêm tinh”.

     

    Thời gian lễ hội Songkran bắt đầu từ ngày 13/4 đến ngày 15/4 theo dương lịch hàng năm, thời gian tết này tính theo Phật Lịch vì Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan, nên năm mới của đất nước này bắt đầu vào ngày sinh của Đức Phật, tức là ngày 15/4. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái quy định Tết Songkran bắt đầu vào ngày 13/4, kết thúc vào ngày 15/4 Dương lịch hàng năm và Tết té nước được bắt nguồn từ đó.

     

    Tháng 4 là lúc thời tiết ở Thái Lan rất nóng nực, tuy nhiên khách du lịch từ khắp nơi lại ùn ùn đổ về Thái vì ai ai cũng muốn một lần tham gia vào lễ hội té nước này, được trải nghiệm cảm giác mát lạnh khi bị cả xô nước té vào mặt, hoặc muốn hòa mình vào dòng người có mang “súng” nước, để được bắn nhau, vui đùa thỏa mái trê phố!

     

    Trong ngày lễ này, hoạt động tại các thành phố lớn rất sôi nổi: Bangkok, Pattaya, ChiengMai, Phuket, Krabi… Trên phố, ngoài những đoàn người diễu hành té nước vào người đi đường bằng các loại phương tiện: đi bộ, xe máy, xe ô tô…  ‘Những tay súng đi mô tô’ lượn lách trên những con phố và té nước vào những người đi đường – những người cũng sẵn sàng ‘tự vệ’ với những xô nước, và những chiếc súng nước đủ màu. Hãy chuẩn bị để bị ướt nhẹp từ đầu đến chân trong “trận chiến” này!

     

    Tại Thái Lan, ngoài người dân ăn mừng trong ngày tết, thỉnh thoảng bạn sẽ thấy những chú Voi cũng hân hoan chào đón ngày tết Thái với việc dùng những chiếc vòi hút nước và phun thẳng vào bạn!

     

     

    Tham gia lễ hội Songkran Thái Lan như thế nào?

     

    Để tham gia lễ hội Songkran ở Thái Lan, bạn cần phải biết những điều sau đây:

     

    Lịch sử của ngày lễ  té nước Thái Lan – Songkran

     

    Songkran trong tiếng Thái có nghĩa là “sự chuyển giao chiêm tinh”, vì vậy lễ hội này đánh dấu thời khắc chuyển giao. Dễ hiểu hơn, lễ hội té nước Songkran mang ý nghĩa tẩy trần và bắt đầu một năm tươi mới, thanh tẩy hết những tội lỗi và đen đủi của năm cũ.

     

    Giống như ngày tết ở Việt Nam, người dân Thái Lan cũng dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, bàn thờ Phật được lau chùi sạch sẽ, người phương xa sẽ tìm về với gia đình và đoàn tụ gia đình, thăm viếng người lớn tuổi, bà con họ hàng.

     

    Việt Nam có câu: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết Thầy”, còn Thái Lan, người Thái làm lễ như sau:

     

    - Ngày 12/4: Tuy ngày chính thức của tết Songkran là 13/4, Tuy nhiên, ngày bắt đầu dịp lễ này là Wan Sungkharn Long (ngày 12/4). Trong này này, người ta dùng để dọn dẹp nhà cửa, bỏ cái cũ, mua sắm vật dụng, đồ ăn, thức uống. 

     

    - Wan Nao (ngày 13/4): có ý nghĩa như ngày 30 Tết ở Việt Nam, được gọi là ngày chuẩn bị. Ngày này, người dân Thái sẽ nấu nướng, bày biện thức ăn để dâng lên chùa vào sáng ngày tiếp theo.

     

    - Ngày chính của lễ Songkran được gọi là Wan Payawan (ngày 14/4):  Trong ngày này, người dân ăn mặc đẹp, dùng bữa cơm gia đình và lên chùa sớm. Sau nghi lễ ở chùa, họ dùng nước thơm lau tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu may mắn. Trong ngày Wan Payawan, người Thái Lan không nói những điều xui xẻo, không làm hành động sai hay có ác tâm.

     

    - Ngày cuối cùng của Tết Songkran được gọi là Wan Parg-bpee (ngày 15/4): Trong ngày này, người Thái sẽ đi đến nhà họ hàng lớn tuổi và thực hiện nghi thức “Rod Nam Dam Hua” - nhẹ nhàng rưới nước thơm lên tay những bậc tiền bối. Đây được xem như là cách để bày tỏ tình yêu thương và lòng tôn kính đối với họ.

     

    Nghi thức quan trọng nhất của Songkran là lễ tắm Phật tại chùa. Sau khi hoàn thành nghi thức này, lễ hội té nước sẽ được bắt đầu.

     

     

    Tham gia lễ hội té nước Songkran ở đâu?

     

    Địa điểm tốt nhất để tham gia vào những “cuộc chiến ướt át” này là ở phố Khao San, Bangkok. Nếu bạn đến đây, hãy chuẩn bị tinh thần để bị ướt nhẹp từ đầu đến chân với nước lạnh khi mọi người phun nước lên bạn từ cả bốn phía.

     

    Như người ta thường nói, nếu đánh không lại đám đông thì bạn nên gia nhập đám đông luôn! Hai bên đường là những quán bar, phố Khao San trong lễ hội Songkran trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

     

    Với những bạn chỉ muốn đi xem lễ hội thôi, hãy đến Silom cũng ở Bangkok. Trên quãng đường 5km của phố Silom, những người trẻ tuổi hân hoan phun, té nước lên nhau. Bạn có thể xem lễ hội Songkram ở phố Silom từ trên cầu treo BTS. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là bạn sẽ khô ráo đâu vì những chiếc xe cứu hoả cũng xuống đường để đảm bảo ai cũng sẽ được “vui vẻ”, dù ở trên cao!

     

     

    Chiang Mai cũng là một địa điểm lý tưởng, đặc biệt ở Thapae Gate, hay còn được biết là trung tâm của lễ hội khi nơi đây có hẳn một cái hào để bạn lấy thêm nước và tiếp tục “chiến đấu”! Lưu ý là Chiang Mai sẽ rất đông người và đường xá tắc khủng khiếp trong suốt lễ hội Songkran, nên bạn nên đến trước một vài ngày. Một điều nữa là cái hào để lấy nước ở đây ngày thường là cống thoát nước, vì vậy bạn nên tiêm phòng trước khi đến đây đảm bảo sức khoẻ.

     

    Vài nét nổi bật khác về lễ hội Songkran

     

    Mặc dù té nước là hoạt động chính của lễ hội Songkran nhưng bạn cũng có thể tham gia các hoạt động khác. Chẳng hạn như xem cuộc thi sắc đẹp Wisutkasat ở dưới cây cầu Rama VIII, nơi những người con gái đẹp và duyên dáng nhất sẽ đọ sắc trong trang phục Chut Thai truyền thống, và hoa hậu sẽ được trao vương miện Miss Songkran. Bạn cũng có thể thử những món ăn mừng năm mới truyền thống ở các tiệm đồ ăn đường phố mở khắp nơi.

     

    Quận Phra Pradaeng cũng là một nơi không nên bỏ qua. Đây là một trong những trung tâm văn hoá của Thái Lan. Người dân ở đây không dùng súng nước để tham gia lễ hội té nước mà dùng các vật dụng truyền thống. Bạn sẽ được xem những cuộc diễu hành với rất nhiều hoa sặc sỡ sắc màu, các cuộc đua thuyền, các điệu múa truyền thống, và nghi lễ treo cờ – hàng trăm chiếc cờ sẽ được buộc với nhau và được treo lên những chiếc cột trong các ngôi chùa. Chắc chắn là sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn chụp những bức ảnh đẹp!

     

     

    Sau đây là một số điều bạn nên biết để có thể vui chơi an toàn trong lễ hội Songkran

     

    Nên làm trong lễ hội té nước Thái Lan – Songkran:

     

    - Sử dụng phương tiện công cộng

     

    Một số đường sẽ bị cấm, và đi lại bằng xe máy hay ô tô đều khá nguy hiểm khi có rất nhiều đám đông phấn khích trên đường.

     

    Mang túi chống nước cho đồ đạc của bạn

     

    Nếu bạn quên túi chống nước thì khả năng cao là điện thoại di động và tiền của bạn đều sẽ ướt sũng.

     

    - Cẩn trọng khi đi đường

     

    - Số lượng tai nạn giao thông thường tăng đột biến trong ba ngày diễn ra lễ hội Songkran, nhất là tai nạn xe máy. Ngoài ra thì bạn có thể gặp phải những người say xỉn.

     

    - Mang giày chống trơn trượt

     

    - Đường phố sẽ trở nên rất trơn nên bạn mang giày phù hợp để tránh “vồ ếch”.

     

    - Không nên làm trong lễ hội Songkran:

     

    - Ném đá lạnh hoặc té nước bẩn vào người đi đường

     

    - Mặc dù người dân địa phương chào đón khách du lịch, bạn cần tôn trọng những truyền thống văn hoá của dân bản địa. Bạn cũng không được té nước vào các nhà sư, trẻ em và người già.

     

    - Lái xe

     

    - Một số tuyến phố bị cấm đường, và nhiều đường lớn bị ùn tắc. Du khách sẽ dễ bị lạc nếu tự lái xe trong những ngày này.

     

    - Đi bộ xuống phố khi không có ý định tham gia

     

    - Chỉ cần bạn ở gần lễ hội, chắc chắn bạn sẽ bị ướt. Nên nếu bạn không có ý định tham gia lễ hội thì không nên xuống những con phố trọng điểm trong những ngày này nhé.

     

     

    Những câu nói tiếng Thái hữu dụng 

     

    Đây là những câu nói tiếng Thái bạn có thể ứng dụng cho dịp lễ Songkran.

     

    Sàat-nám: Té nước

    Bpᵾᵾn-chìit-nám: Súng nước

    kᴐ̌ᴐ-tôot kâ, mâi lên kâ: Xin lỗi, tôi không muốn chơi (nữ)

    kᴐ̌ᴐ-tôot kráp, mâi lên kráp: Xin lỗi, tôi không muốn chơi (nam)

    mâi lên nám-kɛ̌ng: Xin đừng dùng đá lạnh

    mâi lên bpɛ̂ɛng: Xin đừng dùng bột

     

    Lễ hội Songkran ở Thái Lan thực sự là một lễ hội rất vui và độc đáo mà ai cũng có thể tham gia. Để tìm hiểu thêm thông tin về lễ hội Songkran và những nơi nên ghé thăm ở Thái Lan, hãy xem thêm trên website chính thức của Bộ Du lịch Thái Lan và trang Facebook của họ nhé.

     

    Đặt tour du lịch Thái Lan tại đây!

     

    Trên hết, hãy nhớ rằng lễ hội này là để mừng năm mới, gột rửa những sai trái, xui xẻo chứ không phải để “bắn nhau” hay thi đấu. Chúc các bạn có một trải nghiệm thật vui và an toàn! S̄wạs̄dī pī h̄ım̀ (“Chúc mừng năm mới” tiếng Thái)!